Ngày thứ 4 của chuyến đi – 9-10: Suncheon - Hapcheon
Khởi hành
đi Hapcheon
Xem bản đồ thấy đi về hướng Đông bắc.
Ghé vào thăm một cổ thành nơi đây có một làng
nhỏ, hiện đang có hội chợ trong ba ngày kỷ niệm ngày ban hành bộ mẫu tự Hangul của Đại Hàn (9-10-1446).
Nhà cửa còn giữ lại như xưa, có vậy phim cổ
trang mới có thể quay được những cảnh của triều đại Triều Tiên [triều đại Joseon
1392–1897] (phim Đại Trường Kim thời vua Trung Tông 1506-1544). Cảm giác giống
như ghé thăm phố cổ Hội An, còn giữ lại những hình ảnh năm xưa vậy!
Thăm thiền viện Haeinsa (Hải Ấn), nghỉ đêm tại thiền viện
Haeinsa (Hải
Ấn tự海印寺) là một trong những chùa Phật giáo hàng đầu ở Hàn Quốc, ngôi chùa nằm ở
núi Gaya (伽倻山), tỉnh Nam Gyeongsang và được xây năm 802. Chùa
Haeinsa nổi bật vì đây là nơi lưu giữ "Tripitaka Koreana" - bộ chạm
khắc kinh Phật trên 81.258 tấm gỗ, được lưu giữ ở đây từ năm 1398. Ngôi chùa đã
được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới năm 1995.
![]() |
Gìa Da Sơn Hải Ấn Tự |
Ngôi chùa được xây năm 802. Truyền thuyết cho rằng
hai nhà sư người Triều Tiên là Sun-Eung Sunim (Venerable Sun-Eung) và I-Jeong
Sunim (Venerable I-Jeong) trở về từ Trung Hoa và đã trị khỏi bệnh cho Hoàng hậu
của vua Aejang (Ai Trang Vương哀莊王 trị vì 800-809), triều đại Tân La. Để tỏ lòng
biết ơn lòng nhân từ của Phật, đức vua đã ra lệnh xây dựng ngôi chùa.
Ngoài những lễ nghi chào hỏi,
thì điểm quan tâm vẫn là xem Đại Tạng Kinh bằng gỗ.
Buổi chiều được mời xem đánh
trống.
Khác
hẳn cách đánh trống tại nước mình. Chắc hẳn khi đánh trống không thể có tạp niệm
chen vào được, và người đang đánh cũng phải có sức vì tay trống đi rất nhanh,
và hồi trống khá dài. Tay trống đi khắp mặt trống chớ không đánh một chỗ. Xem
video mới thấy hay
Vượt đường dài mới đến đây và leo biết bao bậc
thang mới chào được chủ nhà, rồi xuống biết bao bậc thang để đến chỗ nghỉ, rồi
lên biết bao bậc thang để đi ăn, rồi xuống biết… nên tối ngủ một giấc mê mệt!
Sáng hôm sau, kể ra là ngày
thứ năm của chuyến đi, nhưng kể luôn ở đây cho dễ nhớ!
Quả đường có treo tấm bảng
tuy là chữ Hàn đọc không ra, nhưng ai cũng đoán là ghi 5 điều tâm niệm khi ăn.Tự
nhủ sau khi về sẽ tra để đọc cho ra là gì.
Được
dẫn đi tham quan, lại phải leo xuống hết những bậc thang trở ra đường để xem những tấm bia mộ,
rồi leo trở lại bấy nhiêu bậc thang, rồi lên nữa cho đến Tàng Kinh Các.
Như một giấc mơ khi nhìn thấy
những bảng gỗ khắc kinh, dù đã xem hình ảnh, nhưng tận mắt nhìn thấy vẫn là một
điều khó nói nên lời.
Trong sự cảm động, sáng tỏ
thêm, nếu không thực sự cảm nhận điều gì đó đã được ghi lại trong Kinh điển và Ngữ
lục thì tất cả chỉ là những chữ chết để đọc để giảng mà thôi.
Vì không thể vào trong được,
xin mượn tấm hình này.

Bát vạn đại tạng kinh hay Cao Ly đại tạng kinh hay Cao Ly tam tạng (phiên âm latinh:Palman Daejanggyeong; dịch nghĩa Tripitaka Koreana; nghĩa là “tám vạn tam tạng”) là một bộ tập hợp các bản khắc kinh Phật trên 81.000 khối gỗ được thực hiện dưới thời vua Cao Ly Cao Tông (Tam tạng, khắc trên 81.340 tấm gỗ in vào thế kỷ 13. Đầy là một bản nguyên vẹn và đầy đủ nhất về giáo quy bằng chữ Hán của thế giới, không có lỗi hay đính chính nào với 52.382.960 chữ được sắp xếp thành hơn 1496 đề mục và 6568 tập. Mỗi miếng gỗ có kích thước 70x24cm. Chiều dày của miếng gỗ khoảng 2,6–4 cm và mỗi tấm nặng khoảng 3–4 kg.
Nhà sách có những bản dập lại,
chữ khắc như bản Bắc tại Việt Nam.
Sóng gió chung quanh Đại Tạng Kinh
Tháng 8 năm 1232, Cao Tông dời đô của Cao Ly từ Tùng Đô (tức Khai Thành開城 Kaesong, 개성,) đến đảo Giang Hoa và đã bắt đầu xây dựng các thành trì phòng thủ ở đó để chuẩn bị chống cự quân Mông Cổ.
Đại tạng Kinh khởi công từ thời Cao Ly, đời vua Cao Tông thứ 23 và mất 16 năm mới hoàn thành (1236-1251), nên được gọi “Cao Ly Đại Tạng Kinh”.
Đây là bản kinh gỗ xưa nhất trên thế giới. Bản kinh này không có một lỗi trong khắc bản.
Năm 1381, Tạng Kinh được giữ gìn tại đảo Ganghwa (Giang Hoa đảo) , đã được chuyển đến Hải Ấn tự để bảo đảm an toàn. Hải Ấn tự chưa từng trải qua sự tổn hại nào dù là trong khi chiến tranh, thế nên nó là nơi chốn thuận lợi không bị tam tai: nạn lửa, nạn nước, nạn gió.
Trong suốt lịch sử, những đe dọa đối với Tạng Kinh đều đến từ bên ngoài. Từ cuối thời Goryeo (Cao Ly) đến đầu thời Joseon (Triều Tiên), sứ giả Nhật Bản nhiều lần đòi lấy bản in của bộ Tạng Kinh.
“Thế Tông Thực lục”, biên niên của triều đại Joseon (1392-1910) cho biết, sứ giả Nhật Bản đòi hỏi cho có được bản gỗ, họ chứng minh sự quyết tâm lấy Tạng Kinh về Nhật Bản bằng cách dùng phương cách tuyệt thực, cho thấy sự cố chiếm giữ Tạng bản khắc gỗ của Cao Ly.
Năm 1592, trong cuộc chiến Nhâm Thìn , Nhật chiếm giữ Hapcheon (합천군, Thiểm Châu陜川), tiến đến Hải Ấn Tự. Dưới sự lãnh đạo của Đại sư Soam (Chiêu Am 昭庵), Tăng binh Hải Ấn tự bảo vệ Hải Ấn.
Lúc đó nghĩa binh đóng ở khu vực Geochang và Hapcheon , do Gwak Jae-u (Quách Tái Hữu 郭再祐), Kim Myeon và Jeong Inhong (정인홍; Trịnh Nhân Hồng 鄭仁弘, 1535–1623) lãnh đạo cũng ra sức giúp đỡ.
Họ ngăn cản đường quân địch tiến đến núi Già Da, lính Nhật đã bị buộc phải đi vòng về hướng Bắc, cả hai Hải Ấn và Tạng Kinh thoát nạn. Đại sư Soam là đệ tử của Hòa thượng Hyujeong Seosan (Hưu Tĩnh 休靜1520-1604) .
(Có 3 bản (Đại Hàn, Anh, Hán) nói về giai đoạn này, đây dịch theo bản Hán)
Đến năm 1950, trận đánh Nhân Xuyên (인천 상륙 작전[intɕʰʌn]; Battle of Incheon) là một trận đánh có tính quyết định trong Chiến tranh Triều Tiên. Sở dĩ gọi là cuộc chiến Incheon bởi nó nằm gần Seoul, nên Inchon được chọn để đổ bộ. Liên Hiệp Quốc đổ bộ tại đây để cắt đứt đường liên lạc và vận chuyển tiếp liệu từ Bắc Triều Tiên.
Ngày 16-9 Đồng minh đã chiếm giữ Inchon và tiến vào Soeul. Cắt đứt đường lui của Quân đội nhân dân bắc Hàn, nhưng có một số người trốn về được, những người không về được bên Bắc, ẩn náu tại Già Ya. Quân nhân dân tại Già Da Sơn và quân Hàn Quốc vùng phụ cận Hải Ấn Tự đang ở thế giằng co. Để trừ mối đe dọa này, quân đội Mỹ ra lệnh oanh tạc toàn bộ khu vực.
Ngày 18-9-1951 Đại tá Kim Anh Hoán 金英煥 (Yeong-hwan) thu hồi mệnh lệnh oanh tạc quanh khu vực Hải Ấn Tự . Sau đó, khi ông bị thẩm vấn về việc quyết định không tuân theo mệnh lệnh, Đại tá trả lời rằng ông không thể mang ý nghĩ biến Tạng Kinh, quốc bảo của Hàn Quốc, trở thành những đống tro chỉ với mục đích giết vài người lính Bắc Hàn.
Trải qua thời gian 800 năm sau khi hoàn thành, Tạng Kinh đã trải qua chiến tranh, lửa khói, song, số lượng lớn của toàn bộ Tạng Kinh vẫn được gìn giữ y như mới khắc ngày hôm qua. Đây là điều thật huyền bí và kinh ngạc. Điều này thực hiện được vì Tạng Kinh đã được sinh ra và gìn giữ bởi những nguyện vọng và tận tâm mạnh mẽ của dân chúng Đại Hàn.
-------
Lần này cũng tìm được vài quyển sách dịch từ tiếng Hàn ra tiếng Anh:
- Opening the Eye của Ven.
SongChol (Tánh Triết 性哲)
- The Timeless Wisdom of Korean Seon Masters
Viết thêm:
Sau khi đến Hải Ấn Tự mới hiểu
vì sao ba ngôi chùa được gọi là Tam Bảo.
1/Tongdosa통도사 (Thông Độ tự通度寺), ở tỉnh Nam
Gyeongsang đại diện cho Phật.
Thời
Thiện Đức Nữ Vương, nhờ Thầy Từ Tạng, Phật giáo trong tầng lớp quý tộc trở nên
phổ cập trong dân chúng. Nơi đây có thờ xá lợi Phật.
2/
Chùa Hải Ấn với bộ Đại Tạng bằng gỗ đại diện cho Pháp.
3/
Chùa Tùng Quảng nơi đào tạo 16 vị Quốc Sư, đại điện cho Tăng.