Trang

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

chùa Dâu (tt)

(Tiếp theo 2)

Có nơi rêu phong, có nơi trùng tu, có nơi tu sửa… Nếu không có Hòa thượng phục hưng lại dòng thiền, thì chính mình nếu có đi Bắc cũng chỉ là du lịch tham quan. Và chùa Dâu chỉ là những bài đã học trong Sử Phật Giáo Việt Nam, rằng đầu công nguyên đã có sự phát triển Phật giáo tại nước ta sớm nhất, hơn cả bên Trung Hoa. 
Ngày xưa đi chùa, thấy nơi hậu Tổ thờ ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, nghe tên chẳng có một ấn tượng gì.


Bây giờ đứng nơi đây, hỏi thăm tượng Tổ, được chỉ vào một nơi, sau khi chụp hình, thấy hoa quả che khuất, đoàn bèn xin phép dời lọ hoa để ghi lại bức tượng được ghi tên là Tỳ Ni Đa Lưu Chi.


Giống hay không thì không ai trả lời được, như đức Phật, ở quốc độ nào thì tạc theo người ở quốc độ đó. Thêm nữa, tượng tạc tùy cái nhìn của người tạc. Có những bức tượng, người mình quen biết, khi nhìn tượng thấy chẳng giống chút gì, lòng xốn xang, nhưng rồi thầm nghĩ, vài trăm năm nữa, người sau nhìn thấy bức tượng đó cho là thiền sư… Thì cũng như mình bây giờ nhìn các tượng được tạc tại các chùa mà thôi. Lúc đó có ai mà bận tâm có giống hay không.

Tuy nghĩ thế nhưng có những bức tạc, thật lòng cũng còn chưa đồng ý. Vì ý người người tạc và ý con cháu của bức tượng chẳng “đồng” nhau. Có lẽ người tạc phải cho là giống mới đem đến tặng chủ nhân chứ nhỉ. Mới biết cái đất-nước-gió-lửa này khi đã tu hội ổn định thêm vào chút tâm ý thì phiền toái giữa mình và người phát sanh. Chủ nhân thì chỉ cười còn con cháu thì lắm phen điên đảo.

Từ hành lang nhìn sang chánh điện qua hàng hoa mộc, hoa mộc nơi chùa miền Bắc khá nhiều. Nơi đây gọi chánh điện là Tam Bảo. Ban đầu chưa quen, trong khi mình đi tìm hỏi Chánh điện, cứ nghe mời vào Tam Bảo!

Nhưng đến giờ, đang ghi lại, vẫn chưa định hình được vị trí các nơi trong chùa. Dự định ngày mai, sẽ trở lại chùa Dâu lần nữa, nhưng đủ duyên hay không, chỉ có duyên mới biết.

[Đến đây tạm dừng chùa Dâu, để đi tiếp qua chùa Phi Tướng.
Phần chi tiết trong chùa Dâu xin chờ đọc bài trưởng đoàn, đã viết xong, đang xem lại]