Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Buổi chiều ngày thứ ba trong chuyến đi 8 tháng 10: Đến Thiền viện Songgwangsa (Tùng Quảng Tự 松廣寺)

Songgwangsa (Tùng Quảng Tự 松廣寺)Nằm phía tây ngọn núi Jogyesan (Tào Khê Sơn - Mount Jogye)
Đây là một trong ba ngôi chùa được gọi là Tam bảo Tự:
1/ Tongdosa통도사 (Thông Độ tự通度寺), ở tỉnh Nam Gyeongsang đại diện cho Phật.

Khoảng năm 636-645 Jajang (Từ Tạng luật sư 慈藏律師) đến Trung Quốc tham học, khi về đã giúp cho Phật giáo trong tầng lớp quý tộc trở nên phổ cập trong dân chúng.
Sư nhận được sự tôn trọng của Seondeok yeowang (Nữ Vương Thiện Đức, trị vì 632-647)
Sư thành lập Tongdosa vào năm 646.
2/ Haeinsa해인사 (Hải Ấn tự海印寺), cũng ở tỉnh Nam Gyeongsang đại diện cho Pháp. (Xem chi tiết khi đến viếng Hải Ấn Tự)
 3/ Songgwangsa송광사(Tùng Quảng tự) 松廣寺, ở tỉnh Nam Jeolla đại diện cho Tăng.
Songgwangsa (Tùng Quảng Tự 松廣寺)
Bảng hiệu đọc từ phải qua trái, từ trên xuống:
TÀO KHÊ SƠN /  ĐẠI THỪA THIỀN TÔNG / TÙNG QUẢNG TỰ
Ngôi chùa này được xây dựng vào thời đại Silla (Tân La) năm 876 bởi vị tăng tên Hyerin, ban đầu chỉ là một thất nhỏ với khoảng ba hay bốn mươi vị tăng.
Mãi đến năm 1190 thiền sư Trí Nột (1158-1210) mới chấn chỉnh tông phong. Sư được coi là tổ khai sơn Tùng Quảng Tự, là nơi đào tạo 16 vị Quốc sư trong suốt 180 năm.
Tổ Đường thờ 16 vị Quốc Sư thật đơn giản nhưng trầm hùng. Trí Nột là một vị Quốc sư được Đoàn từng biết qua quyển Luận “Chân Tâm Trực Thuyết”, do Hòa thượng Trúc Lâm giảng.
Sau đó được thầy Trưởng Giáo Thọ tại Tùng Quảng Tự mời uống trà. Trên đường đi tranh thủ ghé quán sách tìm được vài quyển bằng tiếng Anh: Nine Mountains (Cửu Sơn)- The Mediation Master, Bojo Jinul His life and Thought (Thiền Sư Trí Nột), The Way of Korean Zen.
(Khi về mày mò đọc lõm bõm, mới thấy cuộc đời ngài Trí Nột đặc biệt, tự ngộ khi đọc kinh Hoa Nghiêm. Thật là cảm động, có một điều gì tương ưng với Hòa thượng Trúc Lâm).

Nơi mời đến, giống một thiền đường. Nghe "trà" nghĩ đến chén trà thường uống, ai ngờ! bạn xem và đoán nước là gì. Hơi giống như nước trái cây có vị chua!






Thầy Giáo Thọ cho biết phải học Kinh qua bốn năm, sau đó mới học thiền. Kinh điển đã được chuyển ngữ sang tiếng Hàn (Hanguk) như Tâm Kinh, Kim Cang, Pháp Hoa, Duy Thức, Duy Ma... Đó là những bản kinh tôi thấy trên kệ sách. Hiện giờ rất ít người đọc được chữ Hán cổ, việc biên dịch bộ kinh này sang tiếng Hàn hiện đại diễn ra rất chậm chạp và vẫn chưa kết thúc.
Mỗi người được tặng một quyển sách về Tùng Quảng Tự, trong đó có chân dung 16 vị Quốc Sư, thật quý!
Tạm xem hình trên tường để có khái niệm. Chứ trong sách hình rõ hơn.


Trước khi về, Thầy giáo thọ dẫn đi một vòng trên sân, ban đầu Đoàn không chú ý những vạch trên sân, nhưng khi đi mới thấy Bát quái trận đồ này thật hay, cả 50 người đi trên khung, không hề biết đường đi khá dài!
Nếu bạn chưa từng đi, xin xem hình vẽ trận đồ, bạn thử vẽ theo con đường đó mới thấy hết cái hay của nó.

Đi vào theo đường mũi tên.
Chiều đi tiếp qua Suncheon, nghỉ đêm tại quán trọ.
Nhìn bản đồ thấy đường đi khá xa, nhưng đến cũng không quá trễ như hôm qua.
Nghĩ đến ngày mai ở chùa, nên mọi thứ chuẩn bị sắp xếp “khá kỹ” (chẳng hạn lo giặt giũ áo quần trong mấy ngày đi đường!).
Lại một bài học nhỏ! Nhớ lời thầy trụ trì tôi thường nhắc, khi tâm có chuẩn bị, thì ít bị giao động. Đã chuẩn bị tâm, ở chùa thì không tiện nghi như quán trọ!
(còn tiếp)

--------------------------------------------------------------
Xin bổ sung về dòng Thiền Tào Khê tại Đại Hàn, để tiện theo dõi khi đến viếng các chùa hiện nay đều ghi Thiền Tào Khê

Triều đại Tân La Thống Nhất (668-935)

Pháp Lãng (法朗, Pŏmnang, Peomnang [632-646]), người du học tại Trung Quốc, là đệ tử truyền thừa của Tứ Tổ Đạo Tín (Dayi Daoxin 道信 [580-651]) đem thiền về Tân La.
Pháp Lãng truyền dạy cho Thần Hạnh (Sinhaeng 神行 [704-779], Thần Hạnh cũng từng du học tại Trung Quốc, học với Phổ Tịch (Phổ Tịch là đệ tử truyền thừa của thiền sư Thần Tú).

Thiền phổ cập từ thiền sư Đạo Nghi (?-825) ở thế kỷ thứ IX. Đạo Nghi (?-825) học thiền với Bá Trượng Hoài Hải (百丈 749-814) Sư thành lập phái Già Trí Sơn (迦智山 Gaji san school).

Dòng thiền Hồng Châu thời Mã Tổ, các du học tăng từ Tân La đến học rất nhiều. Do 
vậy sau này dòng thiền nơi đây chia làm 9 tông phái.

Trong chín phái thì tám phái được truyền thừa từ Mã Tổ Đạo Nhất và các đệ tử chân truyền như Tây Đường Trí Tạng, Bá Trượng Hoài Hải, Ma Cốc bảo Triệt, Chương Kính Hoài Huy, Diêm Quan Tề An, Dược Sơn Duy Nghiễm.

Chỉ riêng phái sau cùng do Lợi Nghiêm (Yieom 利嚴 [869-936]) truyền bá dòng Tào Động tại núi Sumi-san (須彌山)

Năm 826, các tông phái chấp nhận thiền tại Đại Hàn là “Tào Khê Tông”.

Triều đại Cao Ly (Goryeo Dynasty 918–1392)

Nhưng mãi đến thế kỷ thứ XI, khi thiền sư Jinul (Trí Nột 知訥 [1158-1210]) kết hợp giáo và thiền, chỉnh đốn lại Tăng đoàn, thì dòng Thiền Tào Khê mới được chấn chỉnh.
Lúc đó tông Tào Khê là một tông phái thiền chiếm ưu thế trong Phật giáo hiện thời.

Taego Bou (Thái Cổ Phổ Ngu 太古普愚 [1301-1382]) du học theo tông Lâm Tế tại Trung Quốc, nối pháp Thạch Ốc Thanh Củng屋清珙 . Sau khi trở về, đã hợp nhất chín tông phái tại Cao Ly. 

Nhiều thế kỷ tiếp theo, các thiền sư tiếp tục phát triển Thiền Phật giáo theo Trí Nột.

Thế kỷ XX thiền sư Sùng Sơn nói:

Như vậy dòng dõi của chúng tôi bắt nguồn từ Tổ Huệ Năng xuống Mã Tổ và đây là truyền thống của Thiền tông Hàn Quốc. Do đó cũng được gọi là Thiền Tào Khê (Chogye Zen) 

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Buổi sáng ngày thứ ba của chuyến đi: 8/10/2015

Từ nơi Sư bà ra về, có lẽ trễ hơn dự định và đoạn đường phải qua quá khá dài. Nên nghe thông báo tối nay sẽ ăn trễ hơn bình thường. Nếu một người ngồi bên phải của xe, mà nắng chiều chiếu vào, thì trước mặt phải là hướng nam. Và ánh trời chiều cũng vượt đường dài đi theo Đoàn!

Khi đến quán trọ trời tối sẫm. Đây là quán trọ sang nhất của chuyến đi, nhưng vì đến quá trễ, nên chỉ còn kịp ngủ một giấc để sáng mai tiếp tục hành trình.
Nhưng trong khoảnh khắc đó, cũng còn kịp có một suy nghĩ, nếu mọi thứ chóng vánh và gấp gáp phải đi ngay như thế này thì một quán trọ hạng nhất cũng không kịp để luyến tiếc. Có những người ra đi vội đến nỗi, bỏ lại tất cả trong một chớp mắt.

Tôi nay ở trọ trần gian,
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời…

Buổi sáng Ngày 3 – 8/10:   Namwon – Gurye - Suncheon

Xem bản đồ sẽ thấy từ quán trọ tại Namwon đi đến thăm Hwaeomsa
Thăm Thiền viện Hwaeomsa (Hoa Nghiêm Tự 華嚴寺)

Hoa Nghiêm Cổ Tự (Hwaeomsa Temple - 화엄사華嚴寺 nằm vị trí góc tây nam của Trí Dị Sơn (Jirisan - 지리산 - 智异山) tại Gurye-gun, Jeonnam-do, South Korea, một trong những ngôi Tổ đình  đầu tiên của Tông Thiền Tào Khê (Jogye-jong) 
Bảng đọc bên phải từ trên xuống : Trí Dị  Sơn Hoa  Nghiêm Tự
(Chùa Hoa Nghiêm, núi Trí Dị)
Ngôi Cổ tự này thành lập vào thế kỷ thứ VI năm (544), năm thứ 5 của triều đại của vua Jinheung (Chân Hưng Thái Vương眞興太王trị vì 514–540) trong kỷ nguyên Silla (Tân La). Nơi đây còn lưu giữ một số di tích còn nguyên vẹn từ thời Silla (Tân La), bao gồm nhiều bảo tháp và lồng đèn bằng đá.



Khi thành lập ngôi cổ tự này thì thiền chưa truyền đến Đại Hàn. Lúc đó chỉ là Phật giáo Đại thừa từ Trung Quốc truyền sang, Kinh đô của Tân La là Seorabeol (Từ La Phạt徐羅伐 nay là Gyeongju). Phật giáo trở thành tôn giáo chính thức vào năm 528.
(Tuy vậy chưa tìm thấy tư liệu nói về thiền Tào Khê có mặt nơi đây khi nào, sẽ bổ sung khi tra cứu được)
Đi loanh hoanh ngắm cảnh, nhưng chưa có khái niệm gì về bước chân của các thiền sư nơi đây. Đành dạo phòng bán lưu niệm, chọn được một cái khăn trải bàn trà ghi bằng tiếng Hàn. Nhờ vị hướng dẫn đoàn dịch ra tiếng Anh dùm.
If it is empty,
It should be beautiful to others,
But calm to me.

Cảnh quanh chùa đẹp, có thể kết luận là vậy. Thấy một cổng nhỏ tuy không đọc được chữ trên đó, chỉ có cảm giác như đi vào một ngôi thất nhỏ. So với những gì rực rỡ thì đây cũng có ánh rực rỡ rất riêng.

Chờ tới giờ xe đón nơi quán trà cạnh đó!
Mơ hồ không nhớ ăn trưa ở đâu. Có bạn nào nhớ, bổ túc giúp.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Buổi chiều ngày thứ 2: 7 tháng 10 năm 2015

Xe chạy về hướng nam đến thành phố Anyang  (안양시An Dưỡng安養), tỉnh Gyeonggi (경기phát âm tiếng Hàn: [kjʌŋ.ɡi],  Kinh Kỳ京畿) có cự ly 25 km về phía nam Seoul.

Khi đến Hanmaum Seon Center (Trung tâm thiền Nhất Tâm) khoảng 2 giờ chiều.

Sư Bà Đại Hạnh Daehaeng  (대행, 大行; 1927-2012) 
Tại Trung tâm thiền được nghe vị đệ tử của Sư bà kể lại những lời dạy của Sư bà.
(Đoạn này có lẽ chờ xem DVD mới nghe rõ được).

Sau đó được đưa đến tháp Sư Bà, nên nghĩ đến những tầng tháp cao vút, nhưng khi vào thì thấy rất đơn giản. 
Có lẽ chúng ta xem lại một vài hình hình ảnh trong tang lễ, và thấy trà tỳ ngay tại nơi khoảng đất trống.

Khi Đoàn đến chỉ thấy bãi cỏ xanh rì.

Gọi là tháp nhưng chỉ là một đóa sen nhỏ trên tảng đá. Đoàn đảnh lễ trước mộ tháp, tuy chỉ là một tảng đá, nhưng:

"NHẤT TÂM" chiêm bái Sư Bà,
"Không Có Sông Nào Để Vượt Qua",
Sụp lạy cúi đầu quỳ trước mộ,
Đại hùng ĐẠI HẠNH cảm quanh ta !
TKA

         Chủ Nhân KhôngNhục thân thiêu thả bay theo gió,
Hòa nhập vào cây cỏ trời mây,
Bốn phương Phật tử về đây,
Thân tâm chấn động ! Ô hay !
Chủ Nhân Không đang quanh mình !
 tka

Khi ra về cả đoàn được tặng quyển “No River to Cross” bản này được thầy Huệ dịch “Không có sông nào để vượt qua”.

Đọc xong mới hiểu vì sao những người đang đứng trước tảng đá kia rơi nước mắt.


Sư bà Đại Hạnh là người như thế. Với lòng từ bi và tuệ giác sâu sắc, Sư bà dạy cho những ai biết lắng nghe. Sư bà dạy con đường giải thoát bằng lời chỉ thẳng khiến cho bất cứ ai, dù ở hoàn cảnh nào cũng có thể tu tập và giải thoát. Vì rốt cục chẳng phải hoàn cảnh làm chướng ngại chúng ta mà chính là tư tưởng. Do sự yêu ghét, phiền trách và oán hận mà kết cục ta tự nhốt mình trong đám mây mù tự tạo, không sao biết được quay đầu về đâu hay sống như thế nào. Sư bà không những chỉ cách cho ta đánh tan mây mù mà còn hiển bày khả năng giải thoát của tự tánh chúng ta.
Tuy Sư bà Đại Hạnh đã chỉ đường, nhưng chúng ta phải tự khám phá ra kho báu của chính mình.

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Buổi sáng ngày thứ 2: 7 tháng 10 năm 2015

Buổi sáng
Ăn sáng tại khách sạn
Cách bài trí được khen hay.
Khó mà giải thích tại sao nhìn cách bài trí được chấm ngay. Tạm gọi là sự tương ưng của tâm.
Chuẩn bị hành lý lên xe, sau khi tham quan thành phố Seoul, sẽ đi về chốn khác.

1- Cung điện Hoàng Gia Gyeongbok (景福宮; Cảnh Phúc Cung), Phố Insadong
Hoàng cung này có lẽ cũng như những cố đô nào đó. Cảnh vật cũng vậy, chỉ theo tâm người xem mà có những khoảnh khắc liên tưởng nào đó:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương,
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
(Bà Huyện Thanh Quan)

Có một chi tiết còn lưu dấu cho đến bây giờ, khi viết những dòng chữ này.

Đó là đi ngang Tập Hiền Điện 集賢殿 (nay là Tu Chánh Điện 修政殿), nơi Vua Sejong (Thế Tông có tên húy là Lý Tạo 李裪) người đã tạo Chosŏn'gŭl, bảng chữ cái ký âm dùng cho tiếng Triều Tiên hiện nay.
Vua Sejong (trị vì 1418-1450) - người khuyến khích việc xây dựng hệ thống chữ viết Han-gil - được coi là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Không chỉ nổi tiếng là về đức độ và tính cần cù, vua Sejong còn là một học giả uyên thâm, có kiến thức và tài năng đặc sắc trong mọi lĩnh vực.
Một câu nói khiến Vua ghi tâm khắc cốt đem hết tâm lực hoàn thành chí nguyện: “Vô cùng cấp thiết, vô cùng cô độc mà quyết tâm”.

Đôi lúc có những việc cũng đem hết tâm sức mà làm, nhưng có lẽ thiếu mấy chữ “vô cùng cấp thiết”, nên
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.(Trần Thái Tông)

Lúc xưa thời vua Lê Thánh Tông cũng sáng tạo ra chữ Nôm, dựa vào chữ Hán và cải biến thêm để đọc âm Việt. Chẳng hạn chữ “ăn” sẽ viết , Chữ “đi” sẽ viết 𠫾 trong chữ Hán không có chữ này! Vì đó là chữ Nôm. Vua khuyến khích sử dụng chữ Nôm,  thể hiện sự tự cường.

Và những chữ “vô cùng cô độc mà quyết tâm” như mang hình ảnh Thất Lạc Thất trên  ngọn núi năm xưa. Cái cấp thiết, cái cô độc, cái quyết tâm mà giờ đây chừng như trong tâm người đương thời không mấy còn đậm nét.

Rời Hoàng cung, nắng đã cao gấp gấp ăn trưa để chuẩn bị đi Anyang thăm thiền viện Hanmaum (Nhất Tâm)

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

ngày thứ nhất: 6-10-2015

Rời quê nhà vừa nửa đêm ngày 5-10, nên khi đến phi trường Incheon là sáng ngày 6-10
Đến một nơi chốn xa lạ, có người đón, và thường như thế, chứ nếu phải xuống một nơi xa lạ, mà phải tự tìm xe bus đến điểm hẹn chắc là bối rối nhiều hơn! Nhưng với người mới lần đầu đi nước ngoài ắt hẳn cũng hồi hộp lo âu một điều gì đó, chẳng qua chỉ là lo một "điều chưa quen"!
Và những người đang tay bắt mặt mừng nhau đây, cũng đã từng hồi hộp khi đặt chân trên đất khách, ở một ngày nào đó nhiều năm tháng đã qua.

Ngạc nhiên là phi trường ở một hòn đảo nhỏ của thành phố Incheon, có đường xe bus đưa vào thành phố và đến trung tâm Seoul. Trước khi đến thủ đô, con đường đi cũng như những khu phố Chợ Lớn tại nước nhà. Không có gì khác lạ, phố xá nghênh ngang! Nhất là những bảng hiệu xanh đỏ giăng khắp. Lúc đó tôi có thầm nghĩ, chẳng khác gì nước mình!
Khi xe vào trung tâm mới thấy nhiều thay đổi. Đây là đoàn thuộc dạng du khảo đến viếng các thiền viện, nên những nơi chọn ở phải gần những địa điểm cần tham quan.

Ngày đầu đến khách sạn, nghe lòng thở phào, mới biết nói gì thì nói, tiện nghi cũng phải dễ chịu mới bình tâm mà quan sát!

Lần đầu biết ẩm thực nước Đại Hàn qua món kim chi (phần chi tiết xin đọc bài viết của thầy Huệ). Nhìn cách bày trí đã thấy hợp gu rồi, mặc dù chẳng biết những chữ trên đó nghĩa gì.

Ăn xong bắt đầu tham quan ngôi chùa đầu tiên thuộc dòng Tào Khê, thật sự mới biết có tông phái Tào Khê khi qua đây, bình thường chúng tôi chỉ nghe các tông phái bắt đầu từ tông Quy Ngưỡng, Tào Động, Lâm Tế, Vân Môn, Pháp Nhãn về sau dòng Lâm Tế phân nhánh Hoàng Long và Dương Kỳ.
Còn hai chữ Tào Khê khi bắt đầu truyền xuống các đại đệ tử đã được sử gọi là dòng Nam Nhạc và dòng Thanh Nguyên rồi.
Nhưng đến khi về tra cứu lại thì thấy mọi thứ lại không như mình nghĩ! Thôi để từ từ, vài ngày nữa đến một trong những ngôi Tổ đình đầu tiên của tông Tào Khê sẽ nói kỹ.
Vào quán bán vật lưu niệm, chưa thấy có gì đặc sắc. Nhưng cũng tốn ít tiền…

Những quyển lịch bỏ túi in hình tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, và hầu hết tranh ảnh nói về thiền đều là hình ảnh Tổ Bồ Đề Đạt Ma.
lịch 2016, có ngày dương lịch và âm lịch

Mới đến Đại Hàn lần đầu, chưa có cảm giác gì, chỉ dạo phố với đầu óc còn lơ mơ.
Vừa rời khung cảnh cũ, nên trong tâm vẫn còn hình ảnh bên nhà, thế mới biết viễn ly và viễn du là hai việc khác xa! Có đi xa tới “cùng trời cuối đất” cũng chưa hẳn viễn ly những gì còn đem theo trong tâm!
Trong từng bước chân, nhận ra như thế. Tuy dai dẳng nhưng nhẹ nhàng,  đủ để biết tâm còn nhập nhòe giữa cảnh và tâm!

Buổi tối có một bữa ăn để giới thiệu đoàn.
Quán ăn này rất đặc biệt, trước phòng đã có một bản đề "vô ngôn", thôi rồi, làm thinh thì sao mà giới thiệu nhau cho được. 
Chưa kể bước lên chỗ ngồi giày dép phải để bên dưới, đến khi tàn tiệc bước xuống thì giày dép được nhân viên trong quán sắp thứ tự, ngăn nắp như trong một thiền viện. Chẳng lẽ tự nói "thật ốt dột!"
[hình tìm chưa ra, sẽ bổ túc sau]
Về khách sạn ngủ một giấc, chẳng biết mình đang ở đâu!

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Đất khách quê nhà - Lời ngỏ

Chuyến du khảo Đại Hàn và Nhật Bản vừa qua, xin được ghi lại dưới dạng tâm tình.



Có bạn hỏi vì sao là "đất khách quê nhà", có nhầm lẫn chăng, đúng ra phải là "Đất khách quê người".
Mời các bạn theo dõi chuyến đi, để thấy...