Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Buổi chiều Ngày thứ 11 trong chuyến đi– 16/10 Kamakura

Ngày thứ 11 trong chuyến đi – 16/10 Kamakura
 Buổi chiều.

Kencho-ji (Kiến Trường Tự)
Đây là ngôi chùa được xếp hạng nhất trong năm ngôi thiền tự lớn tại Kamakura, và là thiền viện xưa nhất tại Nhật. Chùa được khởi công xây cất theo lệnh của Thiên Hoàng Gofukakusa (Hậu Thâm Thảo Thiên Hoàng 後深草天皇 1227-1263) và hoàn thành vào niên hiệu Kencho (1253) nên lấy niên hiệu làm tên.



Vị tổ khai sơn Kiến Trường Tự là ngài Rankei Doryu (Lan Khê Đạo Long 蘭渓道隆 Lan-hsi Tao-lung 1213-1278) một thiền sư Trung quốc thời nhà Tống. Ngài rời Trung quốc năm 1246, sang Nhật dạy thiền, ở vài năm tại Kyushu và Kyoto trước khi đến Kamakura lập Kiến Trường Tự. Khi Ngài thị tịch, thiên hoàng Gouda (Hậu Vũ Đa Thiên Hoàng 後宇多天tại vị 1274-1287) ban mấy chữ Daikaku Zenji (Đại Giác Thiền Sư大覚禅師). Đây là lần thứ nhất trong lịch sử Nhật Bản một thiền sư được vua ban thụy hiệu.
Lâm tế Tông - Ngũ Sơn Đệ Nhất
KIẾN TRƯỜNG TỰ

Cự Phước Sơn

Issan ichinei (Nhất Sơn Nhất Ninh一山一寧 yīshān yīnín 1247-1317), thiền sư Trung Quốc sang Nhật vào năm 1299, Sư được cử làm trụ trì đời thứ 10 tại Kiến Trường Tự. Sư cũng là một nhà thư pháp, nên ba chữ Cự Phước Sơn do Sư viết.
(lưu ý chữ cự có dấu chấm, khác với chữ cự thường, mọi người gọi là bách quán điểm 百貫点là điểm chấm có giá trị trăm lần).
Sẵn đây xem một thư pháp của Sư viết về bài kệ của Lục Tổ.
Đọc từ trên xuống, từ phải qua trái:
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.

Bước đến cổng chính, theo truyền thuyết cổng này còn tên Tanuki Mon (cổng Chồn).

Bắt đầu tham quan đi ngang cây tùng hơn 700 năm. Nghe tới cây Đỗ tùng 700 năm tự dưng nhớ đến lúc Thầy dẫn lên ngày đặt đá Yên Tử, có cây đa già cũng khoảng 700 năm! (Năm Kỷ Hợi -1293, Vua Trần Nhân Tông xây dựng chùa Lân). Xem ra cũng tương đương với thời gian lập Kiến Trường.

Đến Chánh điện, rồi thăm pháp đường.
Trên trần Pháp đường chỉ có một con rồng.
Kiến Nhân (Kyoto, Kinh Đô) thì hai con rồng, chắc nơi đây (ToKyo, Đông Kinh) cần mưa ít hơn. Nhờ đi qua hai kinh đô, thật tình đến bây giờ tôi mới phân biệt được sự khác nhau giữa Kyoto và Tokyo, một bên là cố đô, một bên là thủ đô hiện tại.
Tuy hình chụp không rõ lắm, nhưng chính mình chụp vẫn thích hơn! 
Nghe Thầy dẫn giải về ngôi pháp đường này, bề dầy lịch sử khiến mọi sự vật như sống động hơn.
Ngoài ra, khi đi ngang thấy có vài người đang chép kinh, hỏi thăm mới biết hàng ngày từ 10 giờ đến 15 giờ ở chùa Kencho-ji (Kiến Trường Tự) có tổ chức hội viết lại kinh văn Phật giáo. Nếu có chút thời giờ cũng vào chép một bản rồi. Trên tờ giấy có viết sẵn, mình chỉ đồ theo thôi, nhìn rất đẹp.
Bàn chép kinh, muốn vào chép cũng phải đóng tiền để mua giấy viết.
Trên đường đến gặp ngài Kiết Điền Chánh Đạo, trụ trì chùa Kiến Trường hiện nay, Đoàn đi ngang hồ nước với bãi cỏ xanh.
Hồ trong vườn mang hình dáng chữ tâm nên gọi là Shin-ji Ike hay “hồ chữ Tâm”.

Được gặp Hòa thượng trụ trì:
Hòa thượng Kiết Điền Chánh Đạo
(Hòa thượng có một buổi nói chuyện với Đoàn, bài nói chuyện này sẽ bổ túc sau khi Sư trụ trì viết xong.)
Nghe xong bài nói chuyện, lòng rất phấn khích về việc tu học vẫn còn tiếp nối từ ngàn xưa “niêm hoa vi tiếu” trên hội Linh Sơn. 

Được ưu tiên vào thăm nội viện, nơi có những quy chế gắt gao cho những ai muốn dấn thân trên con đường trở về.
Cổng vào Tăng đường là Tung Sơn Môn.
Tung Sơn môm
Được giới thiệu nơi người xin tu học phải trải qua ba ngày kiên nhẫn chờ đợi, rồi năm ngày tĩnh tọa nghiêm nhặt.
(Bổ túc hình mới nhận được nói về giai đoạn này):
Chiếu cố khước hạ

Qua được thử thách đó mới được nhận vào Đại Triệt Đường.
Đại Triệt Đường
Đặc biệt trong Đại Triệt Đường thờ ngài Văn Thù tọa thiền, thường hình ảnh Văn Thù cỡi sư tử.
Bồ Tát Văn Thù
 Chỗ tọa thiền và nghỉ ngơi, được gọi là trường liên sàng. Xem hình sẽ thấy chỗ nghỉ ngơi san sát nhau.

Nón và áo lao tác

Có một cây tùng, chứng nhân qua các thời đại. Nói gì qua năm tháng, những Người một đời chọn những nơi thế này làm điểm khởi đầu trên đường về.
Cây cổ thụ trong Tăng Đường
Nghĩ về bậc Thầy nơi quê nhà, Người một đời đặt lại niềm tin cho mỗi con người có duyên gặp Thầy như những người đang đi chung với nhau đây, giúp mỗi người tự khơi sáng ngọn đèn tâm của chính mình, mà mình đã quên.

Bài viết xin tạm kết thúc nơi đây.

(Hết)

TB. Những ngày tại Nhật Bản rất cảm tạ Nhân, đã giúp Đoàn vì không ai biết tiếng Nhật! Nhưng nhất là đã vào viếng thăm Kiến Trường gặp Hòa thượng trụ trì, nghe nói chuyện và vào Tăng Đường nơi đây.
Đó là ấn tượng nhất với cảnh chùa tại Nhật hiện nay.
--------