Trang

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Ngày thứ năm và thứ sáu trong chuyến đi 10-11 tháng 10 năm 2015

Ngày thứ 5 trong chuyến đi – 10/10:          Gyeongju
Rời Hải Ấn Tự hơi trễ, nên ghé ăn trưa đâu đó rồi mới đi tiếp về hướng Đông.
Gyeongju (Khánh Châu) là cố đô của Hàn Quốc dưới triều đại Silla (Tân La 57 TCN – 935 SCN, đây là Tân La thời Tam Quốc Triều Tiên. Tam Quốc là Bách Tế, Cao Câu Ly, Tân La),  là nơi chứa đựng 3 di sản văn hóa thế giới do UNESCO trao tặng: Quần thể tu viện Phật giáo Bulguksa và hang Phật Seukguram; Vườn quốc gia Gyeongju với vô số di tích còn sót lại từ thời Silla và làng Yangdong – một bảo tàng sống về nơi cư dân sinh sống từ thời Joseon cổ xưa.

CỐT QUẬT TỰ ( - GOLGULSA)
Chùa Golgulsa, Gyeongju, Bắc Gyeongsang
Hàm Nguyệt Sơn Cốt Quật Tự
Chùa Golgulsa (Cốt Quật Tự骨窟寺), thành phố Khánh Châu (Gyeonguju-si).
Khi đến nơi trời đã chiều, Đoàn lên núi chơi và ghi hình.

Nghỉ lại tại thiền viện.
Có lẽ mỗi người một cách nhìn. Vì có chủ đích, nên đôi khi cảnh trước mặt khó lãnh hội. Học được điều như thế khi đến những thắng cảnh. 
Nếu không đi những thắng cảnh thế này há chẳng khiếm khuyết sao? Nhưng ý nghĩ này đến khi ngồi viết lại mới nghĩ ra. Lúc đó tâm còn đang nghĩ đến tu viện của thiền sư Sùng Sơn! Có thể trong tâm có một chút tiếc rằng, sao không thể đến!

Ngày thứ sáu trong chuyến đi  – 11/10:     Gyeongju
Buổi sáng nơi phòng ăn, được hướng dẫn cách ăn uống. Ban đầu nhìn có vẻ phức tạp cho một việc khá đơn giản. Nhưng khi hiểu ra, thì thấy đi qua cái phức tạp đó, mọi thứ sẽ đơn giản.
Nhớ những lời các bậc Thầy thường nói, hành cước ba mươi năm chỉ để thấy chính ngay đây. Nhưng nếu không hành cước như thế thì chẳng hề biết ngay gót chân! Truyện “Nhà Giả Kim” cũng chỉ nói như thế!
Tất cả những cái phức tạp chỉ để nói về một điều đơn giản. Cũng là công án đấy chứ!

Đến giờ uống trà, nơi đây là nơi đào tạo Thiền võ đạo, nên những thư pháp trên tường đều nói về thân tâm hợp nhất.
Đọc từ phải qua trái: THIỀN VÕ BẤT NHỊ

Rời Cốt Quật tự, đi tiếp đến Toham-san (Thổ Hàm Sơn 吐含山) tham quan thạch động Seokguram
Đọc từ phải qua trái: THỔ HÀM SƠN THẠCH QUẬT AM
Seokguram Grotto 石窟 là Thạch động trên núi Toham-san (Thổ Hàm Sơn 吐含山), đường đi cũng quanh co và lên khá cao. Đã đi thì cố đi lên. Đến nơi chỉ thấy một ngôi mái nhà nhỏ tựa vào vách núi, nơi đây có  truyền thuyết về lòng chí thành hiếu để, được người dân quý trọng. 
Bước vào mái nhà đó mới thấy tượng Phật.

Am này do ngài Kim đại thành sáng lập vào năm Tân la Cảnh đức vương thứ 10 (751) được đục dựa theo vách núi, nhưng các khối đá hoa cương sử dụng trong am lại được đưa từ nơi khác đến.










Tham quan Tự viện Bukguksa.

Chùa Bulguksa (Phật Quốc Tự佛國寺) là ngôi tự viện lớn nhất và đẹp nhất của Hàn Quốc. Ngôi chùa này được xây dựng trên những bậc thang đá trông như đế của một ngọn núi.
Chùa Bulguksa được xây dựng vào thời kỳ đầu của triều đại Shilla (Tân La), một triều đại hưng thịnh của Phật giáo Hàn Quốc. Hoàng hậu của triều đại Shilla đã phát nguyện xây chùa để cầu nguyện cho sự thịnh vượng, bình yên của vương quốc mình. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 528 nhưng sau đó bị đình trệ. Mãi đến năm 751, thời vua Gim Daeseong (金大城700–774) , nhà vua quyết định tiếp tục xây dựng để làm yên lòng vong linh cha mẹ mình. Đến năm 774 thì công trình  xây dựng hoàn thành và được đặt tên là chùa Bulguksa.
Chùa từng được kiến tạo thêm trong triều đại vua Goryo (triều đại Cao Ly高麗 918-1392)và vua Joseon.
 Công trình vĩ đại, tham quan một lần, có lẽ không nghĩ sẽ trở lại. Chợt nhớ bài ca của thầy Huệ: “Núi linh không phải là núi cao”. Nếu chỉ là núi cao, thì đi tham quan thôi. Nếu dừng chân và còn trở lại thì ắt là: “Núi linh vì có người sáng đạo”.

Nơi đây mua một xấp card postal về tỉnh Khánh Châu. Hình ảnh khá đẹp, định lấy scan vào, nhưng hiện giờ thì trước chùa lá chưa đổi màu! Chứ theo hình thì cành lá bạn đang thấy màu xanh sẽ nhuộm màu thu.

Buổi chiều thay vì thăm mộ cổ và đài quan sát… thì lại ghé hội chợ. Chuyện bên lề được Thầy Huệ và các bạn kể rồi, chọn được hai hình ưng ý tại Hội chợ, coi như kết thúc những ngày tham quan tại Đại hàn.

(Hết)